Nghị định quy định chi tiết về một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) mới ban hành quy định, từ ngày 10-1-2022, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài về làm nguyên liệu sản xuất phải ký Quỹ BVMT. Quy định này nhằm đảm bảo tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu.
* Ký quỹ 10-20% tổng giá trị lô hàngQuy định đã có hiệu lực nhưng cả doanh nghiệp (DN) lẫn cơ quan quản lý vẫn băn khoăn cách thức triển khai, áp dụng.
Nghị định số 08/2022 quy định chi tiết về một số điều của Luật BVMT quy định: tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài về làm nguyên liệu sản xuất phải thực hiện ký quỹ tại Quỹ BVMT Việt Nam, Quỹ BVMT cấp tỉnh hoặc tổ chức tín dụng nhận ký quỹ. Việc ký quỹ thực hiện theo từng lô hàng hoặc theo từng hợp đồng.
Mức ký quỹ đối với sắt và thép phế liệu nhập khẩu dưới 500 tấn là 10%; từ 500 tấn đến dưới 1 ngàn tấn là 15%; trên 1 ngàn tấn là 20% tổng giá trị lô hàng nhập khẩu. Đối với giấy và nhựa phế liệu, nhập khẩu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ bằng 15%; từ 100 tấn đến dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ bằng 18%; trên 500 tấn phải thực hiện ký quỹ bằng 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu. Các loại phế liệu không thuộc 2 nhóm trên, ký quỹ bằng 10% tổng giá trị lô hàng nhập khẩu.
Chia sẻ về quy định này, ông Phan Thế Hùng, đại diện pháp luật Công ty TNHH Y.F.Y (H.Long Thành) chia sẻ, mỗi năm công ty phải nhập nhiều bột giấy, giấy hỗn hợp về sản xuất giấy tấm, thùng giấy carton. Nhà nước ban hành quy định trên nhằm hạn chế nhập “rác” về Việt Nam, buộc DN có trách nhiệm với hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, cần có tiêu chí rõ ràng các loại phế liệu giấy được nhập khẩu, tránh siết chặt quy định khiến DN gặp khó khăn trong nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, phải chờ đợi lâu trong quá trình làm thủ tục thông quan lô hàng làm đội chi phí kho bãi. Nên chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tức là siết tuân thủ quy định về môi trường như tiêu chuẩn nước thải, khí thải... thay vì kiểm soát nguyên liệu đầu vào, bởi DN nhập khẩu phế liệu về để sản xuất chứ không phải mua đi bán lại.
* Khuyến khích hoạt động tái chế chất thải
Giám đốc Quỹ BVMT Đồng Nai Hoàng Thị Nhung cho biết, hiện tại Quỹ BVMT Đồng Nai chưa nhận được chỉ đạo triển khai quy định mới này. Nếu áp dụng như các ngành nghề, hàng hóa đang ký quỹ khác, DN phải ký quỹ trước khi lô hàng được nhập về. Quỹ BVMT tỉnh nhận ký quỹ và hoàn trả sau khi hàng hóa đã được thông quan. Trường hợp phế liệu nhập khẩu không được thông quan do không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu và không thể tái xuất, tiền ký quỹ sẽ được sử dụng để thanh toán chi phí xử lý, tiêu hủy. Trong thời gian ký quỹ, tổ chức, cá nhân được hưởng lãi suất theo quy định.
Các chuyên gia môi trường cho rằng, quy định ký Quỹ BVMT đối với phế liệu nhập khẩu nhằm đảm bảo tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu. Hạn chế tồn đọng các container hàng phế liệu ở cảng biển mà không có người đứng ra nhận trách nhiệm xử lý, giảm phế thải có yếu tố độc hại với môi trường vào Việt Nam.
Ngoài các lý do trên, việc đề cao trách nhiệm xử lý rủi ro đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu là giấy, nhựa, sắt thép làm nguyên liệu sản xuất là một trong những hình thức tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải trong nước. Khi đó, DN phải cân nhắc từng lô hàng, từng hợp đồng nhập khẩu, cân nhắc tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu tại chỗ để giảm chi phí vận chuyển, giảm thủ tục và thời gian liên quan đến ký quỹ. Khuyến khích DN chủ động tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu mới có thể thay thế cho phế liệu nhập về.
Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường cho biết, theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Sở đang tìm khu để quy hoạch cụm công nghiệp tái chế chất thải. Cơ sở hoạt động trong lĩnh vực tái chế chất thải được ưu tiên hạ tầng, thuế đất. Tuân thủ tốt các quy định về khí thải, nước thải, chất thải rắn, cơ sở tái chế được hỗ trợ kết nối với các DN trong khu/cụm công nghiệp để cung cấp sản phẩm cho ngành công nghiệp sản xuất.